Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Người Việt ở Italy trong những ngày bị phong tỏa

"Bergamo khá nhỏ nên dễ nghe thấy tiếng xe cấp cứu, nhất là vào ban đêm", Võ Thế Long, 27 tuổi, du học sinh Việt Nam ở Italy, nói, "Cứ 15-20 phút, còi xe cấp cứu lại vang lên. Tôi ngồi trong nhà tự hỏi không biết khi nào đến lượt mình nằm trong chiếc xe đó".

Long là một trong ba du học sinh Việt Nam còn ở lại Bergamo - thành phố bị Covid-19 hoành hành dữ dội nhất vùng Lombardia, với hơn 4.300 ca nhiễm và 93 trường hợp tử vong.

Võ Thế Long hiện vẫn ở tâm dịch Covid-19 của Italy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Võ Thế Long hiện vẫn ở tâm dịch Covid-19 của Italy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những dịch công chứng tiếng còi cấp cứu ám ảnh Long, khiến cậu trằn trọc tới sáng. Để dỗ giấc ngủ, chàng sinh viên đọc sách, xem phim đến khi "lả đi vì mệt". Sáng dậy, nhìn điện thoại đầy những tin nhắn lo lắng của người thân, hỏi có về không, sao lại không về, có nhớ rửa tay không... cậu sinh viên càng bồn chồn. Nhiều lúc, cậu hối hận vì đã không về Việt Nam mà lưu lại tâm dịch, hối hận vì lúc còn ở nhà không đối xử với mọi người tốt hơn. Có hôm mất ngủ, Long nằm, mắt rơm rớm.

Một tuần trở lại đây, tinh thần của Long dần dần được vực dậy nhờ sự lạc quan của người bản địa. Ngày 14/3, đang lướt mạng xã hội, cậu bắt gặp video ghi lại cảnh dân Italy vui sống bất chấp lệnh phong tỏa và nhận ra mình có thể vượt qua nỗi sợ.

"Những màn hát hò, vỗ tay ngoài ban công vui lắm. Khu tôi ở thưa dân nên không tổ chức nhưng các thành phố khác có rất nhiều, xem xong thấy khá hẳn lên", Long nói.

Học người Italy, Long "xốc" lại tinh thần. Cậu hạn chế ra đường, hầu hết thời gian cùng bạn chung nhà học bài, xem phim, nghe nhạc, đọc sách. Họ nấu những món ăn Việt Nam và hát karaoke với nhau. Long còn viết những dòng trạng thái vui vẻ để động viên ngược mọi người ở nhà "vì Việt Nam cũng căng thẳng".

Ngày 16/3, sau năm ngày cố thủ trong nhà, Long ra đường đi siêu thị. Nhìn trời hửng nắng, người dân chấp hành tốt các biện pháp an toàn và những kệ hàng đầy ắp, cậu thêm an tâm. Long không còn bị giật mình bởi tiếng xe cứu thương, cũng không thức trắng đêm nào nữa.

"Nói chung, tôi khá ổn", Long nói. "Khẩu hiệu của tôi mấy hôm nay là: 'Corona à? Tôi còn bận sống, chưa rảnh để chết'".

Người Việt ở Italy lạc quan trước dịch bệnh
 
 
Người Việt ở Italy lạc quan trước dịch bệnh

Võ Thế Long ghi lại buổi chiều đi siêu thị.

Ở Rome, Huyền Hồ, nữ sinh viên ngành tài chính 29 tuổi, đã quen với những buổi hẹn ngoài ban công lúc 12h và 18h.

"Người Italy hẹn nhau cứ 12h trưa ra ban công vỗ tay để cảm ơn các y bác sĩ. Còn 18h là lúc ca hát, động viên tinh thần nhau", Huyền cho biết.

Huyền nhớ rằng cách đây ba tuần, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, dân Italy vẫn còn chủ quan. Nhờ cập nhật tin tức từ Việt Nam, cô mua sẵn nước rửa tay, tránh ra đường và che miệng mỗi khi ở ngoài. Cô cũng cố gắng cảnh báo người thân, bạn bè ở đây rằng virus đang hoành hành, cần cẩn thận song không ai nghe.

Ngày 10/3, số bệnh nhân Covid-19 vượt quá con số 10.000, chính phủ Italy ra lệnh phong tỏa toàn quốc. "Rome có sự thay đổi cực lớn. Mọi người bắt đầu ở trong nhà, nếu ra ngoài thì hầu hết đều đeo khẩu trang, nhất là các cụ già", Huyền kể.

Huyền Hồ kết hôn với chồng người Italy, định cư ở Rome từ tháng 9/2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Huyền Hồ kết hôn với chồng người Italy, định cư ở Rome từ tháng 9/2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Không sợ vì đã chuẩn bị tinh thần, Huyền vẫn nghĩ thời gian phong tỏa sẽ ngột ngạt lắm "vì tự nhiên bị nhốt ở nhà". Nhưng vài ba ngày sau, dân Italy "biến cái tiêu cực thành tích cực".

18h ngày 13/3, đang học bài, Huyền bỗng nghe thấy quốc ca Italy. Nhìn ra bên ngoài, cô thấy người dân khu chung cư của mình òa ra ban công, hát to. Huyền quay clip, gửi cho gia đình chồng thì phát hiện Sicily và Milan cũng xuất hiện cảnh tượng tương tự.

"Người Italy muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng mình ở nhà nhưng vẫn sống", Huyền nói. Cô kể thêm có chỗ, khu chung cư trở thành sân khấu của các nghệ sĩ, người ở ban công này hát opera còn người ở phía đối diện kéo violin. Chỗ khác, nghệ sĩ DJ chơi nhạc cho tất cả cùng nhảy múa. Như thể đây là một dự án được chuẩn bị từ trước".

Người Việt ở Italy lạc quan trước dịch bệnh
 
 
Người Việt ở Italy lạc quan trước dịch bệnh

"Buổi hẹn" ban công ngày 15/3 ở khu nhà của Huyền Hồ.

Đến trưa 14/3, đúng 12h, tiếng vỗ tay vang lên khắp khu nhà của Huyền. Dù không hiểu chuyện gì xảy ra, cô vẫn ra ngoài ban công, cùng chồng vỗ tay với hàng xóm. Về sau Huyền mới biết, những tiếng vỗ tay này thay cho lời cảm ơn gửi tới các y bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.

Huyền giờ đây không còn thấy ngột ngạt mà háo hức chờ đến "buổi hẹn". Cô cũng nhảy, hát, quay video ở nhà "để mỗi ngày đều được sống". Ngoài ra, tự cách ly cũng là dịp để Huyền tập trung hơn vào việc học.

"Covid-19 là đại dịch, ai chẳng sợ nhưng càng hoảng hốt thì càng không làm được gì", Huyền nhắn nhủ. "Hãy nghe lời chính phủ, tự trang bị kiến thức, kỹ năng và coi đây là cơ hội để thay đổi bản thân".

"Tình hình dịch bệnh ở Italy căng thẳng nhưng mọi người vẫn tỏ ra bình tĩnh", bà Lê Thị Bích Hường, Chủ tịch Hiệp hội Italy - Việt Nam, cho biết. "Điều này thể hiện qua việc thông điệp andrà tutto bene (mọi việc sẽ ổn) xuất hiện khắp mạng xã hội, cửa hàng, hiệu thuốc, tranh thiếu nhi, thậm chí trên tã của em bé sơ sinh".

Thành phố Bologna thuộc vùng Emilia Romagna nơi bà Hường sinh sống đã ghi nhận các ca tử vong do Covid-19 song người dân vẫn nhiệt tình tương trợ nhau. Tại đây, hơn 1.200 tình nguyện viên túc trực ở các cơ sở y tế, nhiều cửa hàng mang đồ miễn phí cho y bác sĩ và người dân, một số nhà nghỉ và khách sạn cung cấp phòng ở miễn phí hoặc với giá hữu nghị cho những y bác sĩ không muốn về nhà vì sợ lây bệnh cho thân nhân. Thư viện, hiệu sách, nhà hát cho phép tải miễn phí các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Đặc biệt, cộng đồng người Việt khắp Italy động viên nhau bằng cách gọi điện thăm hỏi, chia sẻ các thông tin có ích. Nhóm Facebook của người Việt và Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đều đặn đưa tin về dịch bệnh đồng thời trấn an bà con. Những công dân biết tiếng Italy như bà Hường tự nguyện dịch tin tức Covid 19 cho cộng đồng cùng cập nhật.

Nhờ đó, trong lúc bế quan tỏa cảng, người dân ở nhà nhưng không đơn độc. Đối với gia đình bà Hường, họ có thêm thời gian nghe con trai đàn piano, xem phim và chơi bộ cầu lông mang từ Việt Nam sang đã lâu mà chưa có dịp xài tới.

Minh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét